A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC HIỆU QUẢ HỌC SINH CÁ BIỆT THPT

Đã có nhiều bài viết, tạp chí đề cập đến khái niệm học sinh cá biệt, phân loại học sinh cá biệt, nguyên nhân dẫn đến học sinh cá biệt. Trong khôn khổ bài viết này, tôi xin đề cập đến một số giải pháp giáo dục hiệu quả với học sinh cá biệt ở khía cạnh thường vi phạm nội quy. Trong quá trình chủ nhiệm, trải qua thực tiễn, để giáo dục hiệu quả học sinh cá biệt, người thầy cần chú ý đến một số giải pháp sau:

1. Hiểu tâm lí học sinh

          Để hiểu được tâm lí học sinh, cần thực hiện các việc làm như sau:

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh: Điều kiện sống của gia đình, gia đình đầy đủ hay khuyết thiếu, bố mẹ quan tâm hay thờ ơ, sự  gắn kết của các thành viên trong gia đình, bố mẹ có là người tâm lí hay không, có hay trò chuyện với con không?

Tìm hiểu những khó khăn đang gặp phải của học sinh: Khó khăn từ phía gia đình, khó khăn từ phía bạn bè, khó khăn của chính bản thân.

Tìm hiểu những sở thích, năng khiếu của học sinh, những điều học sinh không thích. Tìm hiểu những mong muốn chính đáng của học sinh.

          Nắm được những điều trên, cần lựa chọn cách giao tiếp, ứng xử phù hợp với học sinh. Càng hiểu học sinh bao nhiêu thì học sinh càng tôn trọng thầy hơn.

2. Trò chuyện thân thiện, gần gũi với học sinh

Bản thân học sinh cá biệt hay vi phạm nhiều nội quy. Vì vậy, trong quá trình giao tiếp với học sinh, người thầy cần hạn chế nói về những vi phạm vì đề cập đến vi phạm học sinh sẽ cảm thấy là tăng số lần bản thân bị chì chiết.

Cần gợi chuyện để học sinh bộc bạch những vấn đề của bản thân. Khi học sinh bộc bạch dù đúng hay sai cũng cần tránh mỉa mai, phê bình. Vì mỉa mai học sinh sẽ cảm thấy không được chia sẻ, từ đó sẽ không mở lòng để tâm sự.

3. Đánh giá học sinh cao hơn

Bản thân học sinh luôn thích thể hiện bản thân, đa phần thích khen nhiều hơn. Trong giáo dục, cần khen, động viên hơn là phê bình.

Khi học sinh làm được một việc tốt, cần khen, tuyên dương kịp thời. Khi khen học sinh thì đồng thời gọi cho phụ huynh để gia đình cảm thấy có động lực cùng với giáo viên chủ nhiệm cố gắng giáo dục con. Khen ở lớp, khen ở gia đình, số lần khen được tăng lên thì học sinh sẽ cảm thấy mình cũng là người có ích, có động lực phấn đấu.

Thay vì phê bình học sinh, cần lôi cuốn học sinh vào những câu chuyện để học sinh cùng tham gia đánh giá, bình luận. Việc bị phê bình nhiều trong giờ học sinh sẽ cảm thấy khó chịu sẽ có sự chống đối, quậy phá. Các giờ sau, học sinh sẽ cố tình và tìm cách quậy phá.

4. Thực hiện tiết học nhẹ nhàng

Thay đổi các bước lên lớp. Thực hiện tiết học linh hoạt không cứng nhắc. Linh hoạt trong khâu kiểm tra đánh giá thường xuyên. Khi học sinh đạt điểm thì nên khuyến khích cho thêm điểm. Từ đó, học sinh sẽ cảm thấy mình có khả năng học và thay đổi được. Thực hiện tiết học tự nhiên, vui vẻ, nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt kết quả cao, giáo viên bộ môn đã cùng phối hợp cùng với giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục hiệu quả học sinh cá biệt.

5. Kĩ năng tư vấn tốt, thực hiện đúng nguyên tắc tư vấn

Kĩ năng tư vấn: Khi tư vấn, cần nhìn thẳng vào ánh mắt học sinh. Khi đó học sinh cảm thấy câu chuyện của mình được thầy cô chia sẻ. Khi tư vấn tránh ra lệnh mà cần trò chuyện như hai người bạn với nhau, có ánh mắt thân thiện, tập trung vào câu chuyện của học sinh.

Nguyên tắc tư vấn: Chỉ được thông cảm, nhưng không được đồng cảm với học sinh. Luôn bảo mật thông tin tư vấn. Không kể cho người thứ ba. Nếu học sinh phát hiện thông tin không được bảo mật sẽ không bao giờ kể nữa. Đưa ra nhiều biện pháp tích cực để học sinh lựa chọn, nhưng không được áp đặt học sinh phải chọn biện pháp nào.

6. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, giáo viên bộ môn, Đoàn trường để giáo dục học sinh

Giữ liên lạc thường xuyên, trao đổi với phụ huynh học sinh: Những khó khăn của học sinh; những việc làm của phụ huynh chưa phù hợp với học sinh; khen con nhiều hơn khi con làm được việc tích cực; đưa ra những bất trắc, nguy cơ có thể xảy ra với học sinh để phụ huynh đề phòng, ngăn ngừa.

Trao đổi với giáo viên bộ môn, Đoàn trường  để cùng nắm tâm lí học sinh. Thầy cô bộ môn cùng vào cuộc để cùng giáo dục học sinh.

Sợi dây xuyên suốt, kết nối những điều trên là uy tín, danh dự, phẩm chất, sự mẫu mực của người thầy. Để đạt hiệu quả giáo dục học sinh cá biệt, các biện pháp trên cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện các biện pháp phù hợp, linh hoạt; ứng xử khéo léo với từng đối tượng.

Người viết: Hồ Quốc Hoà


Tác giả: Hồ Quốc Hòa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội